Posted by : I'm Me
Friday, February 28, 2014
Chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng quá dễ
Có lẽ, hình thức lừa đảo với thủ đoạn vay lãi cao đã quá cũ, những tưởng chỉ có thể đánh vào lòng tham của những người ít học, không mấy khi nghe, đọc đài, báo. Nhưng không, trong vụ án này, với bổn bài cũ rích, Huyền Như vẫn đánh gục được những vị dày dạn kinh nghiệm trên “trận địa” tín dụng. Thế mới biết, tiếng loảng xoảng của kim ngân vẫn có thể làm ngất nhiều “vị tướng” dày dạn trong trận đồ tiền tệ.
Nếu như trong thời điểm từ tháng 3.2010-9.2011, lãi suất trần vay của ngân hàng quy định 14%/năm thì Như đã thỏa thuận để nâng lãi suất với một số Cty lên từ 18-34%. Dù bất thường như vậy, nhưng những nạn nhân vẫn tin một cách khó hiểu vào một phó phòng quản lý rủi ro như Huyền Như.
Cụ thể, thông qua một nhân viên ở Ngân hàng TMCP Phương Đông, Huyền Như biết chị Nguyễn Thị Nga - nhân viên một Ngân hàng - có một số Cty ở Hà Nội (3 Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Cty Hưng Yên) có nguồn tiền muốn gửi và cần gặp trực tiếp để đàm phán. Chấp nhận đề nghị trên, Huyền Như và Võ Anh Tuấn – Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè (cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Như) đã ra Hà Nội gặp đại diện 3 Cty trên cùng với Nga và một số nhân viên khác của một ngân hàng khác (cùng là cộng tác viên của 3 Cty trên).
Tại Hà Nội, nhóm này đã thỏa thuận, tùy mức tiền và thời gian gửi mà lãi suất sẽ vào khoảng 18-22% /năm. Khi có bộ hồ sơ của 3 Cty trên trong tay, điều đầu tiên Huyền Như làm là khắc ngay dấu giả của 3 Cty và ký giả chữ ký của các giám đốc 3 Cty này.
Sau khi 2.496 tỉ đồng của 3 Cty này được chuyển vào tài khoản của họ mở tại VietinBank, Như đã làm giả tới 127 lệnh chi chuyển tiền đến nhiều tổ chức và cá nhân để trả nợ lãi suất cao mà Như đã vay trước đó. Đến khi bị khởi tố, Như đã trả cho 3 đơn vị này cả gốc và lãi gần 903 tỉ đồng, còn chiếm đoạt của 3 Cty trên hơn 1.598 tỉ đồng.
Đánh vào lòng tham
Tương tự, thông qua Vũ Minh Hải (nhân viên Cty CPCK OCS), Như biết Cty CP CK Saigonbank – Berjaya (SBBS) có nguồn tiền muốn gửi vào VietinBank, chi nhánh TPHCM với lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và phí ngoài hợp đồng từ 16-18%/năm. Như vậy, tổng lãi suất thực tế lên tới 32-36%/năm.
Những nội dung trên, sau khi được thống nhất, trong vòng 3 tháng (18.5- 31.8.2011), Như ký giả chữ ký của giám đốc, phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè và con dấu giả của chi nhánh để làm giả 14 hợp đồng ủy thác với Cty SBBS. Có hợp đồng, Cty này chuyển 225 tỉ đồng vào tài khoản ở VietinBank chi nhánh TPHCM. Gần như ngay sau đó, Như đã làm giả các lệnh chi để rút tiền của SBBS chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như vay trước đó. Trước khi bị khởi tố, Như trả cả gốc và lãi cho Cty này là 22 tỉ đồng, còn chiếm đoạt của họ 210 tỉ đồng.
Điều lạ lùng là những người tham gia vào việc gửi tiền của 3 Cty trên (Phúc Thịnh, Thịnh Phát, Hưng Yên) đều là nhân viên ngân hàng, nhưng sao lại ngây ngô tin vào mức lãi suất không tưởng đó? Nếu như phiên tòa vừa qua không làm rõ việc họ có được ăn chia với Huyền Như trong phi vụ lừa đảo này hay không, thì với Cty SBBS, Huyền Như khai đã đưa cho người môi giới Vũ Minh Hải khoảng 30 tỉ đồng; nhưng Hải chỉ thừa nhận 20 tỉ đồng (chiếm tới gần 10% số tiền Như chiếm đoạt).
Hải khai phải chi cho Kế toán trưởng Cty SBBS Vũ Thị Mỹ Linh 13 tỉ đồng, còn mình chỉ cho vào túi 7 tỉ đồng. Về phần mình, Mỹ Linh thừa nhận có lấy tiền nhưng chỉ được 9,9 tỉ đồng. Vấn đề là với 9,9 tỉ đồng, liệu Mỹ Linh có thể “nuốt” nổi một mình - điều mà chưa cơ quan tố tụng nào làm rõ được? Và trong vụ đại án này, Như cũng khai đã bỏ hàng trăm tỉ đồng để “chia” cho nhiều vị “chân gỗ” như vậy. Còn tiền từ “chân gỗ” này đi tới những cửa nào nữa không, đó vẫn là một khoảng tối.
VĂN HẢI -Báo Lao Động