Showing posts with label Cuộc sống. Show all posts

Có mẹ là điều hạnh phúc nhất trên thế gian!

Bạn còn bao nhiêu lần được gặp mẹ mình? 50 lần, 30 lần, 10 lần hay chỉ 5 – 4 – 3 – 2 – 1 lần? Có thể là 50, cũng có thể là 1, thậm chí là không lần nào. Bởi sinh có hạn tử bất kỳ, đặc biệt đối với mẹ già.
Đêm qua, tắt TV xong lên giường nằm đọc sách nhưng chẳng vào. Bật điện thoại nghe FM, tình cờ nghe được một câu chuyện khiến ta giật mình tự hỏi: Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa?

Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa; chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp!

Chủ đề mà chương trình phát thanh đưa ra trò chuyện cùng thính giả xoay quanh câu chuyện của một chàng trai từ miền quê tới thành phố xa xôi lập nghiệp. Sau khi học xong, anh ở lại thành phố và bắt đầu đi làm. Rồi thời gian trôi đi; 5 năm liền anh không về quê thăm bố mẹ được một lần.

Mới đây, anh đón được bố mẹ mình đến sống cùng mình ở thành phố thì không lâu sau, người mẹ được phát hiện là bị ung thư giai đoạn cuối. Theo lời bác sĩ, thời gian cho mẹ anh chỉ còn khoảng 1 năm, và khoảng thời gian đó đang từ từ ngắn lại khi mỗi ngày trôi qua…

Giờ đây, ngoài lúc đi làm, anh dành tất cả thời gian còn lại để ở bên mẹ mình. Anh nhớ lại tất cả những gì mà bố mẹ đã dành cho anh từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi với bố mẹ. Lúc này, anh mới thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ mình.

Trên đất bạn (Trung Quốc) mà sao nghe câu chuyện lại thấy giống với cuộc sống đang diễn ra trên quê hương mình đến vậy! Đời này ta sẽ còn được gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần? Chàng trai kia cũng sẽ giống như đa số chúng ta. Nếu như mẹ anh không lâm bệnh nặng, cuộc sống cứ đều đều trôi qua thì anh cũng chẳng thể nào nhận ra được những gì quý giá đang dần rời bỏ mình.

Xã hội không ngừng phát triển, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực. Mỗi người đều mải lo cho sự nghiệp và cuộc sống bề bộn của mình: Bàn chuyện làm ăn, tìm kiếm cơ hội, quan hệ xã hội, thù tiếp khách khứa bạn bè, rồi học thêm cái này cái kia… Nhiều người ở xa quê, mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một vài lần. Nhưng cũng có người sống gần bố mẹ ngay trong cùng một thành phố mà cũng chẳng có thời gian tới thăm bố mẹ được vài lần trong năm.

Chúng ta có thực sự là bận đến mức không còn thời gian để giành cho bố mẹ mình không? Có phải như thế thật không nhỉ?

Nhớ có lần bạn tôi cũng đã hỏi: “Mỗi năm anh về thăm bố mẹ được mấy lần?”. Nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm, chỉ trả lời là “hai, ba lần gì đó” rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Mới đây thôi, ngồi trò chuyện cùng anh giám đốc công ty, anh ấy bảo “các cụ cứ thích tất cả các con ở loanh quanh đâu đấy không xa nhà mình để khi muốn là gặp được ngay mới thoả”. Tôi nghe xong cũng cười đồng ý rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa.

Lúc trước tôi chẳng hiểu sao cứ mỗi dịp có một trong 3 anh em về thăm nhà là y như rằng, mẹ tôi lại hỏi sao cả mấy đứa không cùng về, hay là “chúng nó bận việc không về được à?”. Tôi chỉ cười mẹ tôi sao hay “thắc mắc” vậy, rồi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nữa…

Còn bây giờ thì tôi cũng đang nghĩ: Đời này mình còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?

Nhiều bạn xa nhà có thể điện thoại cho người yêu , bạn bè hằng ngày nhưng thử hỏi , 1 tháng đã điện về gia định được bao lần, hay có chăng là chỉ điện về nhưng lúc hết tiền , gia đình là nơi quan trọng nhất các bạn ạ !
Phong Vân
Xem để khóc, để suy ngẫm...

Tính mạng của dân và lương tâm người xây cầu

Cuộc sống, Người Việt Nam, Vụ án đứt cáp treo, kết luận vụ sập cầu treo, Cầu chu va 8 người chết, xử tội kẻ xây cầu, xu ly vu dut cau treo chu va

Con ốc cầu Chu Va rất nên đưa vào bảo tàng của ngành GTVT, chẳng hạn để 50 năm sau, con cháu chúng ta nhìn vào đó và học được một bài học về lương tâm và trách nhiệm.

Câu chuyện Chu Va, nơi thảm họa “một đám tang thành nhiều đám tang” trở nên quá sức chịu đựng của người dân khi một lãnh đạo tỉnh Lai Châu giải thích về những viên gạch được phát hiện ốp ngoài trụ bê tông rằng:

“Ốp gạch chỉ làm cho đẹp, để hoàn thiện cho đảm bảo mỹ quan. Không có chuyện xây bằng gạch đâu, có thánh cũng không dám làm”.

Hóa ra ngoài trách nhiệm đảm bảo một cây cầu dân sinh an toàn, những người có trách nhiệm của chúng ta còn quan tâm đến “mỹ quan” khi họ ốp gạch… cho đẹp.

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh phản bác ngay tức thời: “Dù trong bất cứ trường hợp nào thì việc bọc gạch chứng tỏ trụ cầu có vấn đề. Không thể giải thích theo chiều hướng do bề mặt bê tông xù xì nên phải bọc gạch cho đẹp hơn được”.

Trong một phiên họp trước báo giới, chính Bộ trưởng Thăng giải thích nguyên nhân thảm họa Chu Va “là do ốc neo, khi chế tạo lẽ ra phải khoan (từ ốc đúc nguyên khối) để bắt nối thì lại hàn nối, khiến “sắt bị giòn như gang nên đứt thẳng ra”. Và theo ông “nếu ốc neo được làm bình thường thì cả trăm người đi, cầu cũng không thể đứt được”. Quan trọng nhất là lời khẳng định của Bộ trưởng: “Công tác thẩm định thiết kế không có vấn đề, mà nguyên nhân vụ tai nạn là do chế tạo thiết bị không theo thiết kế”.

Vậy là ngay cả “Thẩm định thiết kế không có vấn đề” thì tai họa vẫn xảy ra. Nếu muốn biết những con ốc, cây trụ của 115 cây cầu treo trên toàn tỉnh Lai Châu, 200 chiếc khác ở Cao Bằng, hay hàng ngàn cây cầu trên toàn quốc “có vấn đề” hay không thì lại phải đợi một ngày xấu trời nào đó, khi một… đám tang đi qua.

Tính mạng người dân đang được treo vào lương tâm của những người xây cầu. Còn lương tâm nó tròn, méo, nhiều, ít thế nào lại chỉ có thần thánh mới biết được.

Nhân chuyện thảm họa Chu Va từ những cây “cầu treo nhà nước”, người ta mới lại giật mình nhớ đến một con số và nhiều hình ảnh. Con số đó là 600 chiếc cầu treo dân sinh ở chỉ một tỉnh như Đăk Lăk với một nửa đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, nhưng không biết đến bao giờ mới có tiền sửa chữa.

Ở Tả Thanh Oai, ngay thủ đô một cây cầu dân sinh được làm từ “thời chống Mỹ” với hơn 50 năm tuổi thọ có hàng trăm lượt dân qua lại. Và vụ tai nạn gần nhất vừa xảy ra tháng 8 năm ngoái khi nạn nhân Nguyễn Thị Hiếu đi mua thuốc về chữa bệnh chẳng may bị ngã khỏi cầu và bị nước lũ cuốn trôi.

Thật là khiên cưỡng, nhưng đọc những con số, nhìn những hình ảnh, và nghe những lời lẽ “thánh thần”, không thể không liên tưởng tới những tòa trụ sở như cung điện ở Bình Dương với 23 tầng, cao 104 m, 1.400 tỷ đồng, bãi đáp trực thăng; bãi đỗ 640 ôtô… Hay ở ngay thủ đô đây thôi, những sân vận động hoành tráng và hoang vắng.

Không ai chấp nhận chữ “giá như” ở đây.

Nhưng nếu thảm họa Chu Va hôm nay không được coi như một tiếng chuông báo động để nhà chức trách nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo cho dân hai chữ bình an thì có lẽ chỉ ngay ngày mai thôi, tang tóc lại sẽ xảy ra, chẳng cần phải bắt đầu bằng một đám tang. Và cũng chẳng có thánh thần nào có thể mang ra mà bao biện nữa.

Tác giả :Đào Tuấn - http://vnexpress.net/

Tình thầy trò ngày nay 'chỉ đẹp trên trang sách' ?

Rồi đây nghề giáo có còn là một nghề cao quý hay chỉ đơn giản là một công việc để sống qua ngày?
Trong mỗi chúng ta, đặc biệt là những người thuộc thế hệ 8x trở về trước, những người đã đang và sắp làm phụ huynh của những cô cậu học trò, đã có ai trải qua giai đoạn đi học mà không bị thầy cô trách phạt, la mắng hay đánh đòn hay không?
Cuộc sống, chuyện thầy đánh trò, tình thầy trò, tình cảm học trò ngày nay, trò đánh lại thầy dã man, thầy đánh trò bị tội gì


Thiết nghĩ, ai cũng phải có ít nhất một lần trong đời. Riêng tôi và các bạn tôi đều xem đó là những kỷ niệm mà khi ngồi lại bên nhau, những kỷ niệm ấy sẽ làm cho cuộc họp mặt thêm phần thú vị, vui vẻ.

Chúng tôi sẽ nhớ hoài những lần bị trách phạt ấy để lúc nào cũng ghi ơn thầy cô, bởi lẽ nếu như thầy cô không nghiêm khắc chắc gì giờ đây chúng tôi được như thế này?

Sau khi đọc và theo dõi tin tức vụ việc của thầy Tuấn, tôi có một vài suy nghĩ mong muốn chia sẻ với những bạn có chung nỗi niềm. Trước hết, trong vụ việc trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về thầy Tuấn. Thầy còn quá trẻ, mới 23 tuổi thôi, cả tuổi đời và tuổi nghề đều cần được mài giũa thêm.

Tôi thấy ở Việt Nam có một hiện trạng tồn tại rất lâu trong tâm trí và nhận thức của mọi người, đó là hễ là thầy thì phải giỏi hết, tốt hết và biết hết. Ngẫm cũng lạ, tất cả chúng ta đều là con người, làm sao được như Thánh đây?
Cuộc sống, chuyện thầy đánh trò, tình thầy trò, tình cảm học trò ngày nay, trò đánh lại thầy dã man, thầy đánh trò bị tội gì
Thầy đánh trò trở thành tâm điểm của dư luận

Quay lại với thầy Tuấn, tôi chia sẻ với anh cảm giác áp lực như thế nào khi đứng lớp. Áp lực từ nhiều phía, từ phụ huynh, nhà trường và đôi khi từ chính người thầy.

Có ai biết giáo viên phải mất bao lâu để soạn giáo án chỉ cho bốn mươi lăm phút dạy? Lớp ngoan thì không nói, trúng lớp cá biệt thì thậm chí phải rơi nước mắt trên bục giảng hoặc chán ngán đến mức muốn chuyển công tác, thậm chí là bỏ nghề.

Cái sai của thầy Tuấn là thiếu kềm chế, thiếu luôn cả nhận thức về thế hệ học sinh bây giờ. Bây giờ tình thầy trò ư? Xa lắm rồi, ngay từ lúc cụm từ “kinh doanh giáo dục” xuất hiện thì tình thầy trò chỉ đẹp trên trang sách mà thôi.

Thầy đánh trò như thế là sai, không lẫn vào đâu được, nhưng chuyện gì chúng ta cũng nên nhìn từ nhiều phía.

Cái sai tiếp theo thuộc về đơn vị quản lý trực tiếp, trong vụ việc này là nhà trường, nơi sự việc diễn ra. Theo như tôi biết, tất cả các trường THCS và THPT đều có nội quy cấm sử dụng di động trong lớp và trong giờ học. Vậy tại sao vẫn có học sinh quay được clip trên? Đội ngũ giám thị và kỷ luật nhà trường có đủ sức răn đe?

Việc “năn nỉ” học sinh đi học là do cái tâm của nhà giáo hay do chỉ tiêu của cấp trên? Nên nhớ, việc học không đem ích lợi gì cho thầy cô cả, người hưởng lợi ích trực tiếp chính là học sinh và gia đình. Các bạn phải làm phụ huynh và học sinh mới hiểu rõ điều ấy chứ không phải dọa nghỉ là đi năn nỉ.

Còn nhớ lúc học cấp ba, thầy giáo dạy môn Địa Lý có mắng lớp chúng tôi như sau: “Sao trán các em phẳng đến lạ?” hay “các em từ cao nguyên Ba Vì mới về à?”. Đại khái, ý của hai câu trên là lười suy nghĩ và dốt như bò.

Hoặc như thầy dạy Toán cấp hai của tôi đi dạy thường mang theo cây thước to đùng, vừa dùng giảng dạy vừa dùng để phạt học sinh. Thước gỗ mun mà đánh vào lòng bàn tay đau thế nào thì phải ai đã từng bị mới biết.

Tôi nói ra chuyện này để thấy các thầy cô ngày xưa cũng có lúc thiếu kềm chế, ấy vậy mà chúng ta có dám làm như những em trong clip hay không? Vậy sao bây giờ chúng ta lại cổ súy cho con em mình? Hay các bạn nghĩ “kinh doanh giáo dục” cũng thuần túy là mua và bán?

Các bạn bỏ tiền cho con em đến trường thì thầy cô có nhiệm vụ xem con em bạn như thượng đế? Nếu bệnh viện mang đến sự sống cho con người thì nhà trường mang đến sự sống cho cả một quốc gia, một thế hệ. Đừng dùng đồng tiền làm bẩn đi truyền thống cao quý ấy.

Cái sai cuối cùng cũng là quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ là từ phía phụ huynh.

Người ta có cần thiết phải đổ trách nhiệm cho chúng không khi những người trưởng thành ai cũng trải qua giai đoạn đó? Tuy nhiên, không phụ huynh nào giúp các em học sinh nhận thức người đang đứng trên bục giảng có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Thấy học sinh bị tát, ừ thì thầy sai nhưng thầy sai với cái tâm nghề nghiệp, sai với mục đích làm cho học trò mình ngoan hơn, để rồi các em ấy sẽ tốt hơn trong tương lai.

Những người lên án thầy Tuấn là những người đáng trách nhất, các vị đang dung túng cho sự suy đồi về đạo đức, lối sống đang manh nha trong chính cái nơi thiêng liêng hình thành nên nhân cách một con người. Rồi đây nghề giáo có còn là một nghề cao quý hay chỉ đơn giản là một công việc để sống qua ngày?
Tác giả: Trần Linh - http://vnexpress.net/

Popular Posts

- Copyright © Ai giàu nhất Việt Nam?- Powered by Blogger