Posted by : I'm Me Wednesday, March 5, 2014

Rồi đây nghề giáo có còn là một nghề cao quý hay chỉ đơn giản là một công việc để sống qua ngày?
Trong mỗi chúng ta, đặc biệt là những người thuộc thế hệ 8x trở về trước, những người đã đang và sắp làm phụ huynh của những cô cậu học trò, đã có ai trải qua giai đoạn đi học mà không bị thầy cô trách phạt, la mắng hay đánh đòn hay không?

Cuộc sống, chuyện thầy đánh trò, tình thầy trò, tình cảm học trò ngày nay, trò đánh lại thầy dã man, thầy đánh trò bị tội gì


Thiết nghĩ, ai cũng phải có ít nhất một lần trong đời. Riêng tôi và các bạn tôi đều xem đó là những kỷ niệm mà khi ngồi lại bên nhau, những kỷ niệm ấy sẽ làm cho cuộc họp mặt thêm phần thú vị, vui vẻ.

Chúng tôi sẽ nhớ hoài những lần bị trách phạt ấy để lúc nào cũng ghi ơn thầy cô, bởi lẽ nếu như thầy cô không nghiêm khắc chắc gì giờ đây chúng tôi được như thế này?

Sau khi đọc và theo dõi tin tức vụ việc của thầy Tuấn, tôi có một vài suy nghĩ mong muốn chia sẻ với những bạn có chung nỗi niềm. Trước hết, trong vụ việc trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về thầy Tuấn. Thầy còn quá trẻ, mới 23 tuổi thôi, cả tuổi đời và tuổi nghề đều cần được mài giũa thêm.

Tôi thấy ở Việt Nam có một hiện trạng tồn tại rất lâu trong tâm trí và nhận thức của mọi người, đó là hễ là thầy thì phải giỏi hết, tốt hết và biết hết. Ngẫm cũng lạ, tất cả chúng ta đều là con người, làm sao được như Thánh đây?
Cuộc sống, chuyện thầy đánh trò, tình thầy trò, tình cảm học trò ngày nay, trò đánh lại thầy dã man, thầy đánh trò bị tội gì
Thầy đánh trò trở thành tâm điểm của dư luận

Quay lại với thầy Tuấn, tôi chia sẻ với anh cảm giác áp lực như thế nào khi đứng lớp. Áp lực từ nhiều phía, từ phụ huynh, nhà trường và đôi khi từ chính người thầy.

Có ai biết giáo viên phải mất bao lâu để soạn giáo án chỉ cho bốn mươi lăm phút dạy? Lớp ngoan thì không nói, trúng lớp cá biệt thì thậm chí phải rơi nước mắt trên bục giảng hoặc chán ngán đến mức muốn chuyển công tác, thậm chí là bỏ nghề.

Cái sai của thầy Tuấn là thiếu kềm chế, thiếu luôn cả nhận thức về thế hệ học sinh bây giờ. Bây giờ tình thầy trò ư? Xa lắm rồi, ngay từ lúc cụm từ “kinh doanh giáo dục” xuất hiện thì tình thầy trò chỉ đẹp trên trang sách mà thôi.

Thầy đánh trò như thế là sai, không lẫn vào đâu được, nhưng chuyện gì chúng ta cũng nên nhìn từ nhiều phía.

Cái sai tiếp theo thuộc về đơn vị quản lý trực tiếp, trong vụ việc này là nhà trường, nơi sự việc diễn ra. Theo như tôi biết, tất cả các trường THCS và THPT đều có nội quy cấm sử dụng di động trong lớp và trong giờ học. Vậy tại sao vẫn có học sinh quay được clip trên? Đội ngũ giám thị và kỷ luật nhà trường có đủ sức răn đe?

Việc “năn nỉ” học sinh đi học là do cái tâm của nhà giáo hay do chỉ tiêu của cấp trên? Nên nhớ, việc học không đem ích lợi gì cho thầy cô cả, người hưởng lợi ích trực tiếp chính là học sinh và gia đình. Các bạn phải làm phụ huynh và học sinh mới hiểu rõ điều ấy chứ không phải dọa nghỉ là đi năn nỉ.

Còn nhớ lúc học cấp ba, thầy giáo dạy môn Địa Lý có mắng lớp chúng tôi như sau: “Sao trán các em phẳng đến lạ?” hay “các em từ cao nguyên Ba Vì mới về à?”. Đại khái, ý của hai câu trên là lười suy nghĩ và dốt như bò.

Hoặc như thầy dạy Toán cấp hai của tôi đi dạy thường mang theo cây thước to đùng, vừa dùng giảng dạy vừa dùng để phạt học sinh. Thước gỗ mun mà đánh vào lòng bàn tay đau thế nào thì phải ai đã từng bị mới biết.

Tôi nói ra chuyện này để thấy các thầy cô ngày xưa cũng có lúc thiếu kềm chế, ấy vậy mà chúng ta có dám làm như những em trong clip hay không? Vậy sao bây giờ chúng ta lại cổ súy cho con em mình? Hay các bạn nghĩ “kinh doanh giáo dục” cũng thuần túy là mua và bán?

Các bạn bỏ tiền cho con em đến trường thì thầy cô có nhiệm vụ xem con em bạn như thượng đế? Nếu bệnh viện mang đến sự sống cho con người thì nhà trường mang đến sự sống cho cả một quốc gia, một thế hệ. Đừng dùng đồng tiền làm bẩn đi truyền thống cao quý ấy.

Cái sai cuối cùng cũng là quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ là từ phía phụ huynh.

Người ta có cần thiết phải đổ trách nhiệm cho chúng không khi những người trưởng thành ai cũng trải qua giai đoạn đó? Tuy nhiên, không phụ huynh nào giúp các em học sinh nhận thức người đang đứng trên bục giảng có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Thấy học sinh bị tát, ừ thì thầy sai nhưng thầy sai với cái tâm nghề nghiệp, sai với mục đích làm cho học trò mình ngoan hơn, để rồi các em ấy sẽ tốt hơn trong tương lai.

Những người lên án thầy Tuấn là những người đáng trách nhất, các vị đang dung túng cho sự suy đồi về đạo đức, lối sống đang manh nha trong chính cái nơi thiêng liêng hình thành nên nhân cách một con người. Rồi đây nghề giáo có còn là một nghề cao quý hay chỉ đơn giản là một công việc để sống qua ngày?
Tác giả: Trần Linh - http://vnexpress.net/

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Popular Posts

- Copyright © Ai giàu nhất Việt Nam?- Powered by Blogger